Người phụ nữ suốt đời hành thiện

Từ nhiều năm nay, các cụ già, cháu nhỏ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Hường Hà Nguyệt đều yêu mến và coi bà Nguyễn Thị Nguyệt như người thân ruột thịt. Tấm lòng hành thiện của bà Nguyệt đã giúp cho nhiều người không nơi nương tựa có được mái ấm gia đình đúng nghĩa.

Dù tuổi đã ngoài 60, tóc đã bạc và da đã mồi nhưng bà Nguyệt vẫn đảm đang trọng trách Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Hường Hà Nguyệt ở thôn Tân Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ – Thái Nguyên) có cơ ngơi khang trang trên diện tích gần nghìn mét vuông. Nhìn bà lúc nào cũng tất bật, ngược xuôi khắp nơi tìm các mối bán hàng, kiếm tiền để duy trì hoạt động của trung tâm, tối về lại đi hỏi thăm từng cụ già, em nhỏ, nhiều người không khỏi thầm cảm phục bà.

Mái ấm tình thương

Vừa thấy bà Nguyệt đến, đám trẻ ùa về phía bà, đứa đòi bế, đứa hỏi chuyện tíu tít như đón người mẹ hiền về nhà. Bà Nguyệt ôm chúng vào lòng mà không giấu nổi niềm hạnh phúc. Bao mệt mỏi của một ngày lăn lộn trên thương trường bỗng tan biến. “Xa chúng một ngày là tôi thấy nhớ lắm. Tuy tôi không phải là người sinh ra chúng, nhưng tình cảm gắn bó mật thiết như mẹ con vậy”, bà Nguyệt rớm lệ khi tâm sự về những đứa trẻ mình đang chăm sóc.

Trong số 8 đứa trẻ ở trung tâm, có 3 cháu đang theo học mầm non. Cháu Nguyễn Xuân Thành năm nay 5 tuổi đang học mầm non có hoàn cảnh rất đáng thương. Bà Nguyệt kể, mùa đông năm 2009, trời rét như cắt da cắt thịt, cháu Thành bị bỏ rơi ở Bệnh viện đa khoa Đồng Hỷ. Người ác khẩu đồn mẹ cháu bị nhiễm HIV nên mới bỏ rơi con nên không ai nhận cháu về nuôi. Biết tin, bà Nguyệt tức tốc đến bệnh viện và nhận cháu Thành làm con nuôi. Ôm cháu Thành về nhà, các thành viên trong gia đình chưa hiểu, đều phản đối nhưng bà Nguyệt vẫn kiên quyết làm theo ý của mình.

Các cụ già ở đây được phụng dưỡng chu đáo

55902

55903

Sau đó còn có thêm 2 trường hợp nữa cũng rơi vào tình cảnh như cháu Thành. Bà Nguyệt mở rộng vòng tay nhân ái đón nhận các cháu về. “Nuôi một người đã vất vả trăm đường, một nách 3 đứa trẻ đỏ hỏn, tôi bận túi bụi. Chẳng đêm nào tôi được ngủ yên. Những ngày trái gió trở trời, các con ốm, tôi gần như thức trắng…”, bà Nguyệt nhớ lại.

Dường như ông trời cũng cảm động trước tấm lòng hành thiện của bà Nguyệt. Sau 6 tháng, bà cho 3 đứa con của mình đi xét nghiệm HIV. May mắn thay, cả 3 cháu đều có kết quả âm tính. Hôm ấy, bà Nguyệt vui sướng đến trào nước mắt. Thế là cơ hội sống sót cho những đứa con của bà đã rộng mở.

Ngôi nhà của bà vốn chật chội, nhưng tấm lòng bà Nguyệt luôn rộng mở. Đi đâu gặp cháu nào có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, bà lại đón các cháu về nhà nuôi. Bà Nguyệt vốn mát tay, đón đứa con nào về cũng khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Nhà mỗi lúc một đông con, trong khi đó, xã hội còn nhiều lắm những mảnh đời bất hạnh. Mỗi khi đọc báo, xem ti vi bắt gặp những cụ già, trẻ em không nơi nương tựa là bà Nguyệt lại động lòng trắc ẩn. Bà nghĩ, muốn giúp được nhiều người hơn phải xây dựng một trung tâm. Nghĩ là làm, bao năm tích góp được tiền, của, đất đai, bà dồn cả vào để xây dựng Trung tâm bảo trợ.

Nặng gánh ân tình

Cả đời làm việc thiện, nhưng đời tư của bà Nguyệt lại trải qua nhiều gian truân. Năm nay bà Nguyệt ngoài 60 tuổi nhưng vẫn phải vật lộn ngoài thương trường để kiếm tiền lo cho trung tâm. Bà Nguyệt sinh ra ở Hải Dương, trong gia đình có 6 anh em. Năm bà lên 11 tuổi, bố bà đột ngột qua đời. Gia cảnh khó khăn, mẹ đã dẫn bà và các em lên khai hoang ở vùng Đồng Bẩm (Thái Nguyên). Người anh trai cả của bà hi sinh tại Thành cổ Quảng Trị. Người em trai thứ hai đi bộ đội, bị thương và cũng mất sớm. Gánh nặng gia đình đều đổ dồn lên vai bà.

Bà Nguyệt và những đứa con của mình

Ngày đầu lên xứ miệt rừng khai hoang, mấy mẹ con lam lũ xin làm thuê và ở nhờ một người dân địa phương. Gia đình bà đã trải qua bao phen đói rét khổ cực. “Những đêm mưa gió rét mướt, mấy mẹ con phải ôm nhau cho bớt lạnh. Nhà thiếu gạo ăn, nên mỗi bữa ăn, mẹ con phải chia nhau từng thìa cơm. Mẹ tôi thường nhịn ăn dành cơm cho con cái”, nhớ lại một thời đã xa bà Nguyệt lại rơi lệ.
Bà Nguyệt vốn là người con gái sắc sảo, sau vài năm, bà đã biết đi buôn bán khắp nơi để kiếm tiền lo cho gia đình. Nhờ đó mà các em của bà được ăn học nên người, mẹ bà cũng đỡ phần vất vả. Mải mê làm ăn, lo toan cho cả nhà, rồi tuổi xuân của bà trôi qua lúc nào không hay. Cuộc đời trải qua nhiều cơ cực nên mỗi khi gặp những người khó khăn bà đều giúp đỡ. Bà Nguyệt kể, dường như cái duyên nhận con nuôi đã gắn bó với bà từ ngày còn trẻ. Năm 21 tuổi, trong một lần đi rừng, bà gặp 1 đứa trẻ đỏ hỏn bị bỏ rơi bên bờ suối, kiến bò lên kín người đứa trẻ. Bà bế đứa bé về báo chính quyền. Chẳng ai nhận nuôi đứa trẻ vì bé, chỉ nặng có 1,9kg, khó có cơ hội sống sót. Thương tình, bà lại mang đứa bé về nuôi. 21 tuổi chưa một lần nuôi con nhưng trong lòng cô gái trẻ luôn dạt dào tình thương. Nhờ sự chăm sóc, nâng niu của bà mà đứa trẻ đó thành người. Liên tiếp các năm sau đó, bà còn nhận thêm 2 người con trai và 1 người con gái nuôi nữa. Bà không chỉ nuôi nấng mà còn tạo mọi điều kiện cho con cái được học hành. Giờ cả 4 người con nuôi của bà đều đã trưởng thành.

Giờ đây xây dựng trung tâm, bà Nguyệt lại thêm muôn phần khó nhọc. “Bà lấy tiền ở đâu ra để lo các khoản ở trung tâm?”, nghe tôi hỏi vậy, bà Nguyệt bảo: “Ngoài cái siêu thị nhỏ của nhà ra, tôi vẫn đi buôn bán khắp các nơi để gom cho đủ tiền. Dù khó đến mấy cũng phải lo, không thì trung tâm sẽ ngừng hoạt động mất”.

Mới đây, bà Nguyệt bỗng dưng lâm trọng bệnh. Tự nhiên người lả đi, không thể đứng vững. Các bác sĩ kết luận bà bị sơ não chất trắng. Bà phải nằm viện, mẹ mất cũng không về được. Ai cũng tưởng bà khó lòng qua khỏi. Dường như lại được ông trời thương, bà đã vượt qua được cơn thập tử nhất sinh.

Bà Nguyệt đang có ý định sẽ nhận phụng dưỡng những cụ mà con cháu không chăm sóc được. Những trường hợp này sẽ đóng phí. Từ nguồn phí đó sẽ duy trì lại hoạt động từ thiện của trung tâm. Trung tâm Hường Hà Nguyệt có 5 người giúp việc và cả bác sĩ chuyên trách. Hiện có 8 trẻ em và 10 cụ già. Trong số 10 cụ già, chỉ có 1 cụ là do người nhà gửi (đóng phí phụng dưỡng 3 triệu đồng/tháng), các cụ còn lại đều có hoàn cảnh éo le. “Trung tâm có thể đón được 300 người già và trẻ em. Hiện tại, tôi chưa lo được tài chính nên mới chỉ dám nhận như vậy”, bà Nguyệt tâm sự.

Nay cũng đã ở cái tuổi gần đất xa trời. Căn bệnh sơ não sẽ còn tái phát. Bà Nguyệt chỉ lo, lúc mình mất sẽ không có ai nuôi các con. Tấm lòng của bà Nguyệt rất đáng trân trọng

Danh Mục

Dịch Vụ Trung Tâm

Tin Tức Nổi Bật

Tin Tức Liên Quan

Người phụ nữ có trái tim nhân hậu

“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” Phóng viên Thainguyentv.vn trao đổi với bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã