TRUNG TÂM BẢO TRỢ XÃ HỘI HƯỜNG HÀ NGUYỆT

               Là cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) tư nhân đầu tiên và đến nay vẫn là duy nhất trên địa bàn tỉnh, Trung tâm BTXH Hường Hà Nguyệt do cá nhân bà Nguyễn Thị Nguyệt đầu tư xây dựng, tổng số vốn là 30 tỷ đồng. Với chức năng, nhiệm vụ quản lý, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi cô đơn, khuyết tật, trẻ mồ côi, người lang thang cơ nhỡ và các đối tượng tự nguyện khác; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức học văn hóa, học nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp với sức khỏe, hoàn cảnh, tạo điều kiện để các đối tượng hòa nhập cộng đồng, sự ra đời và những hoạt động của Trung tâm đã trở thành mái ấm của những phận đời thiếu may mắn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ nói riêng, tỉnh Thái Nguyên nói chung

Mỗi người một hoàn cảnh, một lý do để đến với Trung tâm BTXH Hường Hà Nguyệt. Bỏ lại sau lưng quãng đời bất hạnh, buồn tủi, họ đến mái nhà mới, nơi mọi người đối xử với nhau như ruột thịt, không khoảng cách, không phân biệt.

Ngoài 28 người già cô đơn không nơi nương tựa, Trung tâm BTXH Hường Hà Nguyệt còn đang cưu mang, chăm sóc 6 trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi và những người khuyết tật, người bị bệnh có hoàn cảnh khó khăn như trường hợp anh Vi Văn H. Anh H. bị di chứng nặng do tai biến mạch máu não, gần như không thể tự chủ trong mọi sinh hoạt. Hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên người thân mang anh “gửi” vào Trung tâm từ gần 6 tháng trước. Những người như anh H. nhận được chế độ chăm sóc riêng, có bác sĩ và nhân viên Trung tâm hướng dẫn, giúp đỡ tập vận động để phục hồi chức năng. Trẻ nhỏ được cưu mang tại Trung tâm có người đưa đón đi học hằng ngày, được tạo mọi điều kiện để phát triển bình thường như các bạn cùng trang lứa.

Đội ngũ nhân viên của Trung tâm là những người luôn tận tình, trách nhiệm, họ như con, cháu, là mẹ, có lúc lại như bạn tâm giao của những đối tượng được bảo trợ tại đây. Họ là những người góp phần quan trọng xây nên mái ấm đặc biệt này. Chị Nguyễn Thị Hường, một nhân viên Trung tâm chia sẻ: Những người già ở đây đa phần đều có bệnh, có người cứ mỗi khi đau ốm, buồn bực lại la hét, đập phá. Chúng tôi phải nhẹ nhàng khuyên nhủ, động viên, an ủi họ. Mỗi đêm, chúng tôi đi kiểm tra từng phòng ít nhất 2 lần và đã không ít lần phải đưa các cụ trở bệnh vào bệnh viện cấp cứu trong đêm…